Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

GPS cho động vật

Trước nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã như tê giác, voi, sư tử, ngựa vằn…, từ năm 2010, Quỹ Động vật hoang dã Nam Phi (AWF) đã sử dụng công nghệ định vị gps để giám sát các loài động vật này.

Nhờ công nghệ GPS giúp theo dõi hoạt động của các loại động vật quý hiếm, các nhà khoa học sẽ ngăn chặn được nạn săn bắt trộm động vật đang bùng nổ tại các quốc gia Phi Châu. Tại khu bảo tồn động vật hoang dã Mafikeng, nằm ở phía tây Johannesburg Nam Phi, chỉ trong vòng 1 năm qua, 6 con thú sống tại đây đã bị tấn công và chỉ 2 con được cứu sống. Tình trạng tương tự sẽ hạn chế đáng kể nhờ sự kiểm soát của công nghệ định vị GPS.

Để giám sát và bảo vệ tê giác, các nhà chức trách đã gắn thiết bị GPS vào sừng của chúng. Thiết bị này được gắn với một hệ thống máy tính chủ và nhờ đó, người ta có thể theo dõi được chặt chẽ sự di chuyển của động vật qua màn hình máy tính. Hệ thống này sẽ hoạt động tương tự trên các loại động vật hoang dã khác thông qua chip định vị GPS được gắn ở vòng cổ của động vật. Các nhà khoa học có thể nhận tín hiệu từ máy tính hay từ điện thoại.

Cũng nhờ việc gắn hệ thống định vị GPS trên các động vật hoang dã, các nhà khoa học đã giúp người dân tránh được tình trạng động vật hoang dã phá hoại mùa màng hay tấn công con người. Khi biết được hướng di chuyển của động vật hoang dã, các nhà khoa học sẽ cảnh báo cho  người dân về nguy cơ hủy hoại hoa màu hay tấn công con người, phá hoại nhà cửa của con người trên đường di chuyển của chúng.

Được biết, năm 2010, với công nghệ GPS, Quỹ Động vật hoang dã Nam Phi (AWF) đã theo dõi di chuyển của đàn voi lớn nhất châu Phi gồm khoảng 23.000 con. Nhiều loại động vật quý hiếm khác cũng được gắn thiết bị định vị này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét